Chi Cục Thi Hành Án Dân Sư Quận Bình Thạnh, Tp.HCM
23 Tháng Tư 2024 ..:: GIỚI THIỆU » Chức năng - nhiệm vụ ::.. Đăng Nhập
 GIỚI THIỆU VỀ CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ QUẬN BÌNH THẠNH, TP.HCM Đóng

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

----------------o0o----------------

 

Giai đoạn năm 1993- 2003: trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được hình thành ở cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng. Theo đó, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự được tổ chức gồm có Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

Các cơ quan thi hành án dân sự gồm có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp và các Phòng thi hành án cấp quân khu và tương đương. Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp chịu sự quản lý về kinh phí, cơ sở vật chất phương tiện hoạt động của Bộ Tư pháp; chịu sự quản lý về nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp chịu sự quản lý về kinh phí, cơ sở vật chất phương tiện hoạt động của Bộ Tư pháp; chịu sự quản lý vềnhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

 

Giai đoạn 2004- 2008: Mặc dù công tác thi hành án dân sự giai đoạn 1993- 2003 đã thu được những kết quả nhất định, song công tác thi hành án đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn và còn nhiều tồn tại cần được giải quyết kịp thời, do đó, việc tiếp tục kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức ngành Thi hành án dân sự là hết sức cần thiết. Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 về cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác Thi hành án dân sự. Theo đó, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự đã có những thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế.

 

Đối với cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế của cơ quan này, năm 2008, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, ngày 02/3/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp ( nâng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp lên Cục loại 1). Nhờ đó, công tác tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý, tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên rõ rệt.

 

Đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, trở thành Hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật.

 

Giai đoạn từ ngăm 2009 đến nay: để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý công tác Thi hành án dân sự trong tình hình  mới theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đồng thời phối hợp với các Bộ ngành, có liên quan để tham mưu trình Chính phủ kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống Thi hành án dân sự. Theo quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ, hệ thống Thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, với một vị thế mới, tương xứng nhiệm vụ chính trị được giao. Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp được nâng thành Tổng cục Thi hành án dân sự nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự. Việc nâng cấp này cũng phù hợp với quy định của chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục thuộc Bộ và về yêu cầu quản lý chuyên ngành đối với một lĩnh vực lớn, phức tạp, có tính chất chuyên sâu.

 

Thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2999/QĐ-BTP công bố việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; đến nay đã quyết định thành lập 63 Cục Thi hành dân sự cấp tỉnh và 710 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Tiếp tục kiện toàn một bước về thể chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước công tác Thi hành án dân sự trong tình hình mới, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, theo đó, hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục được xác định quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.

 

CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ CỦA CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

----------------o0o----------------

 

1. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật thi hành án dân sự.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

3. Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

4. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

5. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.

6. Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 của Luật thi hành án dân sự.

7. Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.

 

  THÔNG TIN LIÊN HỆ

   200/20 Bình Lợi, Phường 13,
      Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

   +84 3553 3651       +84 3553 3650

   chicucthabinhthanh@gmail.com

200 Bình Lợi

  THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

 VIDEO CLIPS

Thi hành án dân sự - 70 năm xây dựng và trưởng thành

 SỐ LƯỢT TRUY CẬP

398.089